Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về việc đổi tên, tổ chức bộ máy và Điều lệ của Tổng công ty Gtel.
Ra đời năm 2007, sau 16 năm hoạt động và trưởng thành, Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu, nay là Tổng công ty Công nghệ-Viễn thông Toàn cầu (GTEL) là công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước do Bộ Công an làm chủ sở hữu, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Với năm đơn vị thành viên GTEL cung cấp các giải pháp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, an ninh mạng, giải pháp tích hợp hệ thống và quản lý thông tin; triển khai các phần mềm, sản phẩm công nghệ phục vụ công tác chuyển đổi số; cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng, thanh toán di động; kinh doanh dịch vụ viễn thông di động mang thương hiệu Gmobile với đầu số 099 và 059; thi công xây lắp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống điện nhẹ, hệ thống phòng cháy chữa cháy, CCTV...; thực hiện xây lắp hạ tầng viễn thông, thông tin liên lạc; mang tới khách hàng nhiều giải pháp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, kinh doanh vật tư thiết bị điện tử, viễn thông.
Ngoài ra, Tổng công ty GTEL còn đóng góp tích cực vào hoạt động tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo tài năng bóng đá trẻ cho lực lượng Công an nhân dân và cho quốc gia.
Trong sứ mệnh góp phần vào xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị, định hướng của Đại hội XIII về công nghiệp an ninh với GTEL thật sự là một cơ hội, là “lửa thử vàng”. Với sứ mệnh đó, GTEL tập trung nghiên cứu, khai thác và cung cấp các dịch vụ về viễn thông di động, các giải pháp về Trung tâm dữ liệu lớn-Big Data, AI, dịch vụ chuyển đổi số gắn liền với Đề án 06 của Chính phủ, các giải pháp bảo mật, an ninh an toàn thông tin trên không gian mạng cho các tổ chức và doanh nghiệp.
Dấu ấn thời gian qua chính là việc tham gia triển khai thành công các dự án công nghệ chưa từng có tại Việt Nam như: Dự án “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, Dự án “sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân gắn chip”; xây dựng hệ thống định danh và xác thực điện tử; các phần mềm nghiệp vụ của ngành Công an, nghiên cứu hệ thống Camera AI giám sát giao thông; xây dựng các Trung tâm dữ liệu nghiệp vụ...
Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) cho biết: Với GTEL là doanh nghiệp trực thuộc, chúng tôi cho rằng cần chuyển dịch mạnh mẽ sang nhiều lĩnh vực công nghệ cao, vạch rõ định hướng phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, GTEL cần phát triển như một nguồn lực nội sinh, đóng góp trực tiếp vào phát triển khoa học-công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của lực lượng an ninh mạng và bảo đảm sứ mệnh xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc “có tính sẵn sàng, an toàn, có độ dự phòng cao cho lực lượng Công an nhân dân, an ninh trên không gian mạng”.
Với mục tiêu trở thành doanh nghiệp trực tiếp phục vụ an ninh, việc thực hiện bốn nhiệm vụ cơ bản của công nghiệp an ninh theo Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng an ninh và Động viên công nghiệp đóng vai trò rất lớn trong chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu GTEL.
Bằng định hướng cụ thể, sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt và sâu sát của Bộ Công an, Đảng ủy, Lãnh đạo Cục A05 xác định Tổng công ty GTEL phải đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại và vận dụng vào điều kiện thực tiễn của đất nước, đẩy mạnh thu hút đội ngũ chuyên gia hàng đầu về công nghệ để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đặt ra, trực tiếp góp sức đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp an ninh hiện đại.
Theo Thiếu tá Điền Văn Kiên, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty GTEL, việc xác định là hạt nhân trong thực hiện các nhiệm vụ của công nghiệp an ninh được khẳng định rõ trong mục tiêu và định hướng phát triển: Thứ nhất, đó là đầu tư phát triển và thực hiện tốt nhiệm vụ an ninh; nghiên cứu, sản xuất thiết bị mạng viễn thông, thiết bị công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng; cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp về công nghệ phục vụ bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Thứ hai, xây dựng kế hoạch, nghiên cứu chuyên sâu, triển khai các ứng dụng, sản phẩm phục vụ chuyển đổi số của ngành Công an và của quốc gia. Thứ ba, giữ vai trò chủ đạo, đi đầu trong định hướng thiết kế, giải pháp và xây dựng các hệ thống xử lý thông tin nghiệp vụ, quản lý, điều hành, tác chiến; triển khai cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin và viễn thông; cung cấp các giải pháp hệ thống phương tiện kỹ thuật tin cậy, đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu về bảo mật hệ thống, bảo mật dữ liệu nghiệp vụ; bảo đảm nền tảng kỹ thuật an toàn cho các biện pháp nghiệp vụ đặc thù của ngành.
Thứ tư, xây dựng nền tảng công nghiệp an ninh gắn với doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp an ninh mạng nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ, vật tư, trang thiết bị chuyên biệt phục vụ công tác công an nói chung, an ninh mạng nói riêng. Thứ năm, triển khai cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông tin cậy, trọng tâm là hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia và hạ tầng hệ thống mạng của ngành Công an theo phân công. Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế về công nghiệp an ninh và các nhiệm vụ khác.
Đồng chí Điền Văn Kiên cũng cho biết thêm, trong định hướng hợp tác quốc tế, GTEL có xây dựng quan hệ hợp tác với các hãng công nghệ lớn tại Hoa Kỳ, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, ... để tìm hiểu, chia sẻ các giải pháp hiện đại trong lĩnh vực công nghệ. GTEL cũng hướng đến hợp tác với những tập đoàn công nghiệp an ninh Hoa Kỳ để tìm kiếm hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao những sản phẩm công nghệ an ninh đặc thù, tiên tiến.
Trên con đường tái cơ cấu, đổi mới để phát triển, GTEL đang đối mặt, khắc phục nhiều khó khăn chung. Đó là thiếu cơ chế đặc biệt, ưu tiên trong đầu tư phát triển công nghiệp an ninh (ngoại trừ Nghị định số 63/2020/NĐ-CP ngày 8/6/2020 của Chính phủ) cho nên các cơ chế, chính sách áp dụng cho doanh nghiệp trực tiếp phục vụ an ninh chưa rõ ràng; quy trình, thủ tục để được công nhận là doanh nghiệp an ninh còn phức tạp; cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng chưa đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành;
Ngân sách nhà nước và các nguồn vốn đầu tư cho công nghiệp an ninh còn hạn chế; xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại trong điều kiện chưa có nhiều công cụ, tài nguyên; cơ sở hạ tầng, mạng lưới truyền dẫn còn hạn chế, khó cạnh tranh… khiến GTEL đương đầu áp lực đẩy mạnh áp dụng công nghệ và chuyển đổi số trong toàn bộ quy trình từ cung cấp dịch vụ cho tới chăm sóc khách hàng,…
Không ngừng đổi mới để bắt kịp xu thế thế giới, song hành với chiến lược thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là đòi hỏi từ thực tiễn. “Tiêu chí tuyển dụng của GTEL là tuyển dụng những chuyên gia, ứng viên có năng lực phù hợp. Mục tiêu là xây dựng văn hóa doanh nghiệp có tính kỷ luật, đoàn kết và sáng tạo để có một tập thể cùng chung khát vọng cống hiến.
Bên cạnh chế độ chính sách, cái chúng tôi có thể tạo ra là môi trường làm việc với điều kiện sáng tạo đủ lớn để họ thể hiện và đóng góp” anh Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Hành chính và Pháp chế GTEL, chia sẻ.
“GTEL có cơ chế đánh giá cán bộ bằng KPI và nguyên tắc bổ nhiệm cán bộ dựa trên tinh thần công bằng, cạnh tranh lành mạnh; tuyển chọn và sử dụng cán bộ theo ba lớp: lớp cán bộ trẻ kinh nghiệm dưới 5 năm, lớp cán bộ kinh nghiệm hơn 5 năm, và lớp cán bộ là chuyên gia, có trình độ cao, chi trả mức thu nhập phù hợp, nhưng quan trọng nhất vẫn là xây dựng cho họ một lộ trình phát triển rõ ràng”, đồng chí Điền Văn Kiên khẳng định.
Với góc nhìn của một chuyên gia, ông Nguyễn Minh Phi, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Chuyển đổi số, cho biết: “Với tôi, GTEL là nơi cho phép phát huy những khả năng và kinh nghiệm. Hơn ba năm về đây, tôi hoàn toàn tin tưởng và mong muốn sẽ tiếp tục gắn bó ở GTEL”. Còn những cán bộ trẻ như anh Đặng Hoàng Anh, Ban Tổ chức, Hành chính và Pháp chế GTEL lại cảm nhận sâu sắc sự “trưởng thành tại GTEL nhờ tích lũy được những kinh nghiệm “thực chiến” sâu sắc và phong phú. Sự phát triển GTEL đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chính điều đó lại hun đúc ý chí nỗ lực tìm tòi để vượt qua”.
Theo bà Lê Thị Hiền, Trưởng Ban Tổ chức, Hành chính và Pháp chế GTEL, sau 16 năm ra đời phát triển, GTEL xác định chiến lược cạnh tranh, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp chú trọng vào ba yếu tố quan trọng. Đó là duy trì, củng cố và phát triển đội ngũ chuyên gia, kỹ sư đầu ngành, nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu, làm chủ công nghệ và cung cấp các giải pháp, dịch vụ có độ bảo mật cao; phát triển, cung cấp các giải pháp, dịch vụ đặc trưng, riêng có.
Bên cạnh đó là tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua cam kết tuân thủ pháp luật, bảo vệ môi trường, bảo đảm quyền lợi khách hàng và đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững. Đến nay, GTEL đã thực hiện hàng chục dự án về phát triển giáo dục, phát triển cộng đồng như: tham gia xây dựng công trình “Bếp ăn điểm trường Nà Bản” tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn; ủng hộ điểm trường thôn Thèn Ván, Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang; hỗ trợ viện phí cho các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Nhi Trung ương…
Dù còn nhiều khó khăn, trở ngại trên chặng đường nỗ lực tái cơ cấu, định vị giá trị và khẳng định thương hiệu, song, với tinh thần đoàn kết và khát vọng mạnh mẽ, tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên GTEL đặt mục tiêu hiện thực hóa khát vọng trở thành doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ-viễn thông của ngành Công an, đóng góp mạnh mẽ vào phát triển kinh tế-xã hội và công cuộc xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nguồn: Báo Nhân dân